Chương I: Dự Bị Tu Tập
Quy y, lễ lạy và Bồ Ðề Tâm
Giải nghĩa về cách thức tu tập Ðại Thủ Ấn của trường phái Kagyu bao gồm ba phần: dự bị tu tập, tu tập chính yếu và kết luận.
Phần thứ nhất bắt đầu bằng sự quy y và phát triển tâm Bồ Ðề.
Các cách thức dự bị tu tập được chia làm hai loại: chung (căn bản) và riêng. Quán chiếu về thân người khó được, về vô thường và chết, về nghiệp báo hay luật nhân quả, về sự đau khổ của luân hồi, là những pháp quán căn bản và chung cho tất cả các trường phái Phật Giáo. Riêng Kim Cang thừa có thêm bốn pháp dự bị tu tập đặc biệt (ngeun-dro): vừa lạy Phật vừa quy y (quy lạy), Kim Cang quán (méditation de Vajrasattva), cúng dường Mạn Ðà La (offrande du Mandala) và Bổn Sư Du Già (Guru-yoga).
Bốn pháp này có thể được tu tập theo nhiều cách, nhưng thông thường nhất là thực hành 100.000 lần mỗi pháp theo thứ tự trong một thời gian ấn định như (ba, bốn năm) với một sự tinh tấn không gián đoạn. Còn có một cách tu tập khác là phân chia đều bốn pháp trên thành số lượng nhỏ và ấn định làm thời khóa thường nhật. Số lượng này không nhất định, có thể thay đổi, nhưng phải thực hành liên tục cho tới khi thấy được hảo tướng mới thôi. Ngoài ra các pháp dự bị tu tập cũng có thể thay đổi, tùy theo vị Thầy (Lama) quyết định xem cái nào phù hợp hơn với căn tánh của đệ tử.
Sau đây là những pháp dự bị tu tập tổng quát của trường phái Karma-Kagyu. Về những lời chỉ thị đặc biệt và tỉ mỉ cần phải được giảng dạy từ vị Thầy riêng của mỗi người.
Mục đích của sự dự bị tu tập là tẩy trừ những nghiệp xấu làm chướng ngại cho việc tu tập, và tích tụ nhiều công đức để tiến nhanh đến đạo quả. Sự quy lạy và Kim Cang quán thuộc mục đích thứ nhất, cúng dường Mạn Ðà La và Bổn Sư Du Già thuộc mục đích thứ hai.
Trong khi quán chiếu về luật nhân quả, về những nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ và sự đau khổ kham chịu trong kiếp hiện tại, ta cần phải phát tâm sám hối trở về nương tựa nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Cúng dường lễ lạy Tam Bảo sẽ giúp ta thanh lọc những mầm mống của đau khổ. Ngoài ra cũng cần quán chiếu và ghi nhận rằng tất cả chúng sinh đều muốn xa lánh đau khổ nhưng lại luôn luôn làm điều độc ác và ích kỷ, muốn có hạnh phúc nhưng không bao giờ hành động đạo đức hay từ bi, bởi thế nên vẫn đau khổ triền miên.
Quán chiếu như vậy xong, ta làm khởi lên lòng đại bi và nghĩ rằng sự tu tập của ta cũng thanh lọc luôn cả nghiệp chướng của họ. Cuối cùng phối hợp Bồ Ðề Tâm với sự quy lạy, ta nguyện tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, sớm thành Phật để có thể thực sự làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Trên khoảng hư không trước mặt, hãy quán tưởng có một thân cây năm nhánh. Vị Thầy Bổn Sư ngồi ở nhánh giữa (dưới hình thức Vajradhara), ở nhánh trước mặt (vị Bổn Sư) có tất cả Hộ Thần Kim Cang (Yidam), ở nhánh bên phải (vị Bổn Sư) là tất cả chư Phật (Buddha), ở nhánh sau lưng là tất cả Giáo Pháp (Dharma), và ở nhánh bên trái là toàn thể Tăng Già (Sangha). Quán tưởng như thế rồi ta bắt đầu quy y (trong lúc lạy xuống) và quán tưởng rằng tất cả chúng sinh (là cha mẹ) đều tề tựu sau lưng ta và cũng quy lạy như ta.
Ðây là phép quán về ruộng công đức (phước điền) hay Cây Lịch đại Tổ Sư. Quán tưởng ta đang ở trong một vườn hoa thanh tú, có những bãi cỏ êm dịu và một bầy thú hiền hòa. Ở chính giữa là một cái hồ tuyệt đẹp có một cây làm toại nguyện tất cả điều ước như đã tả ở trên. Vajradhara (Tạng ngữ: Dorjé Chang) là một hóa thân của Phật khi thuyết về Mật giáo Tantra. Những vị Hộ Thần (Yidam) gồm có: Vajrayogini, Héruka, ...;
chư Phật ở đây là chư Phật ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai; Giáo Pháp gồm tam tạng Kinh điển (Tripitaka); Tăng Già bao gồm tất cả chư Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Ở phần dưới thân cây có các vị Hộ Pháp (Dharmapala) như Mahakala, Mahakali, ...
Nếu không biết rõ hình tướng các vị trên, hoặc không thể quán tưởng một cách rõ ràng, ta cũng đừng nên lo ngại. Ban đầu chỉ cần tin tưởng nơi sự hiện diện của các vị ấy là đủ. Với sự luyện tập lâu dài, với những tranh hình (Thangka) của các vị ấy, ta sẽ quán tưởng rõ hơn sau này.
Tiếp theo quán tưởng ta dưới hình thức bình thường bên phải là tất cả các chúng sinh nam, bên trái là tất cả các chúng sinh nữ. Tưởng nghĩ rằng chung quanh ta là một đám đông vô kể, cả người lẫn thú; dẫn đầu tất cả, ta đảnh lễ và quy y. Khi bắt đầu đảnh lễ, chắp hai bàn tay lại, đưa lên đụng đảnh đầu rồi xuống đụng trán, đụng cổ, ngực rồi quỳ xuống đất duỗi thẳng toàn thân, hai tay đưa tới trước, xong rồi liền đứng dậy.
Cùng lúc lạy như vậy, ta đọc lên những câu sau: "Con và tất cả chúng sinh, cha mẹ nhiều đời, đầy khắp hư không, xin quy y nơi chư Thầy Tổ tôn kính. Chúng con xin quy y nơi các vị Hộ Thần Kim Cang và toàn thể chư Thần trong Mạn Ðà La. Chúng con xin quy y nơi chư Phật ba đời. Chúng con xin quy y nơi Thánh Pháp. Chúng con xin quy y nơi chư Thánh Tăng.
Chúng con xin quy y nơi toàn thể chư Thần Dakas, Dakinis, Hộ Pháp và Hộ Mạng". Hãy thực hành như vậy với sự chánh niệm tối đa, với lòng tin kính và thành thật.Ba pháp thực hành trên: lạy, tụng, quán tưởng được gọi là thân lạy, khẩu lạy và ý lạy, cần được thực hiện ít nhất 100.000 lần. Trước khi tu tập các thời khóa thiền quán khác, cũng nên lạy ít nhất là 7 lần.
Trong lúc tu tập về pháp quy lạy, ta sẽ cảm thấy cực nhọc và mệt mỏi. Nhưng hãy xem đó như là một mũi thuốc chích, tuy đau đớn nhưng sẽ cứu ta khỏi bệnh. Tuy nhọc mệt nhưng ta vẫn vui vẻ, vì từ đời vô thỉ đến nay, ta đã tạo không biết bao nhiêu nghiệp xấu, đúng lý ra ta sẽ phải chịu nhiều quả báo đau khổ hơn trong ba đường ác, nhưng nay nhờ chịu đựng tu tập mà ta sớm giải thoát.
Trong khi lạy nếu cảm thấy nóng hay lạnh thì hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sinh ở địa ngục sớm thoát khỏi đau khổ của hỏa ngục và hàn ngục. Nếu bị đói khát, ta hãy nguyện cho loài ngạ quỷ sớm được no đủ; hoặc khi đầu óc ta trở nên nặng nề và đờ đẫn vì nhọc mệt, ta hãy nguyện cho mọi loài súc sinh sớm thoát khỏi ngu si.
Với một đức tin sâu đậm và kiên cố, ta sẽ đánh bạt mọi phiền não khởi lên trong lúc tu tập. Nếu có những ý niệm khởi lên bảo ta ngưng tập và đi tìm một pháp môn khác, ta hãy nhìn chúng như một đám điên phá phách, bỏ qua không thèm để ý đến chúng.
Ta đọc tiếp: "Từ nay cho đến ngày giác ngộ, con xin quy y Phật, Pháp, chư hiền thánh Tăng...". Cùng lúc ta suy nghĩ rằng: "Tất cả chúng sinh đều đã là cha mẹ con, con xin quy y và phát triển tâm Bồ Ðề". Sau đó ta quán tưởng về Tứ Vô Lượng Tâm.
Tứ Vô Lượng Tâm là nguyện cho tất cả chúng sinh:
1) đều được an vui hạnh phúc và tạo nhiều căn lành;
2) đều thoát khỏi đau khổ và ngưng tạo điều ác;
3) được sống trong thương yêu và hòa thuận;
4) đều có tâm bình đẳng, không thương người thân, ghét kẻ thù.
Cuối cùng, quán tưởng rằng tất cả đối tượng quán chiếu (sở quán) đều tan biến thành ánh sáng (hào quang) thấm nhập vào ta và giòng tâm thức [1] của ta trở nên thanh tịnh.
Sau mỗi thời khóa quy lạy, hãy quán tưởng làm tan biến tất cả hình tướng của Cây Lịch đại Tổ Sư thành hào quang thấm nhập vào ta và đưa ta vào trạng thái bất nhị trống rỗng, trong suốt, không còn dính mắc vào một khái niệm hiện hữu nào nữa. Hãy trụ trong "bây giờ và ở đây", và cảm tưởng rằng ta hoàn toàn thanh tịnh.
Ðến đây chấm dứt phần dự bị tu tập thứ nhất: quy lạy và phát triển tâm Bồ Ðề.
Kim Cang Quán
Vajrasattva [2], Tạng ngữ: Dorjé Sempa, là một hóa thân của chư Phật dùng để thanh lọc giải trừ đau khổ, phiền não, quả báo của những nghiệp xấu, ác đã tạo. Hóa thân này có thể xuất hiện dưới nhiều hình tướng: hiền từ hoặc dữ tợn như Héruka Vajrasattva, đơn độc hoặc với một nữ phối. Sau đây là một phương thức tu tập với hóa thân Vajrasattva đơn độc.
Quán tưởng trên đầu ta, có Thầy Bổn Sư (Lama) dưới hình tướng Vajrasattva, toàn thân màu trắng, tay phải cầm một kim cang chùy (vajra) ngang giữa ngực, tay trái cầm một cái chuông ngang hông. Ðầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.
Quán tưởng trên đảnh đầu chủng tự PAM. Sau đó chủng tự này biến thành một hoa sen trắng, ở trên có chủng tự AH, từ chữ AH xuất hiện một vành trăng tròn, ở trên có chữ HUM, chữ này từ từ biến thành một kim cang chùy 5 đỉnh, và ở giửa chùy kim cang này lại có một chữ HUM. Từ chữ HUM này phát ra nhiều đạo hào quang rồi sau đó lại thu trở về hai lần: lần thứ nhất, những hào quang này hóa hiện ra muôn ngàn trân châu quý báu cúng dường chư Phật, Bồ Tát; lần thứ hai, những hào quang này tiêu trừ tất cả đau khổ của chúng sinh.
Tiếp theo, kim cang chùy biến hình thành Vajrasattva như đã tả ở trên. Chân trái gấp lại, bàn chân đụng dưới đùi phải, và chân phải hơi duỗi xuống dưới. Ở giữa ngực có một vành trăng với một chữ HUM trắng ở trên.
Vajrasattva có một bài chú 100 chủng tự và một bài 6 chủng tự. Những chủng tự này thường được quán chiếu theo nhiều cách: hoặc theo chiều kim đồng hồ, hoặc ngược lại, hoặc quay tròn hoặc đứng yên. Riêng trong phép quán này, ta phải tụng 100.000 lần bài chú 100 chủng tự, những chủng tự này màu trắng bất động, được sắp chung quanh vành trăng theo chiều ngược của kim đồng hồ.
Sau khi quán tưởng như trên, ta tụng: "Nam Mô Vajrasattva, con thành khẩn xin ngài giải trừ tất cả chướng duyên và quả báo của những nghiệp xấu mà con đã tạo trong quá khứ". Ta cần phải phát lồ sám hối và quán niệm về bốn điều hóa giải (lỗi lầm).
Ðiều thứ nhất, nhớ tưởng lại những lỗi lầm đã tạo và thành tâm ăn năn. Thứ hai, nguyện không bao giờ tái phạm. Thứ ba, ghi nhớ những điều tốt như quy y, Bồ Ðề Tâm, giữ giới... Thứ tư, thực hành những pháp thanh lọc, sám hối như Kim Cang quán để tiêu trừ nghiệp chướng. Nếu không hội đủ bốn điều trên thì sự sám hối chỉ là hào nhoáng bề ngoài.
Tiếp theo quán tưởng một nước cam lồ trắng chảy từ ngón chân cái bên phải của Vajrasattva, xuống tới đảnh đầu và chảy khắp toàn thân ta. Cùng lúc đó, tất cả những chướng duyên, nghiệp báo đều bị tống khứ, và toàn thân ta chỉ còn là cam lồ.
Nước cam lồ này bắt nguồn từ chữ HUM và bài chú 100 chủng tự nằm trên vành trắng ở ngực Vajrasattva, chảy xuống thấm vào thân ta.
Quán tưởng rằng từ những lỗ chân lông và chín khứu của ta, những chướng duyên thoát ra ngoài như mồ hôi và nhựa đen; bệnh tật, ốm đau thoát ra ngoài như máu mủ; tà ma, quỷ ếm, như rắn, bò cạp, nhện độc và sâu bọ. Tất cả đều chảy ra ngoài và thấm xuống đất. Bấy giờ toàn thân ta chỉ còn lại nước cam lồ trắng và hào quang.
Ta hãy quán tưởng tất cả chúng sinh cũng đều có một vị Vajrasattva ở trên đầu và đang lãnh nhận sự thanh lọc như ta.
Hài lòng, vị Bổn Sư (Vajrasattva) biến thành hào quang (rồi nhập vào ta), và quán tưởng rằng thân, ngữ, ý của ta và của Vajrasattva nhập một không khác. Tất cả nghiệp chướng lúc này thảy đều được tiêu trừ.
Ðến đây kết thúc phần dự bị tu tập thứ hai: quán tưởng về Vajrasattva và trì tụng thần chú.
Chú thích:
[1] Sách Tây Tạng thường nói "giòng tâm thức" để chỉ định cái tâm. Vì theo các trường phái Duy Thức và Trung Quán thì tâm không phải một vật có tự tánh cố định mà là một giòng ý thức luôn trôi chảy
[2] Vajrasattva: Việt dịch là Kim Cang Tát Ðỏa, cho đó là một vị Kim Cang thần hay Bồ Tát, nhưng đối với Tây Tạng thì đó là một hóa thân Phật.
Cúng dường Mạn Ðà La
Thông thường, sự cúng dường không có nghĩa là làm vui lòng hay lấy điểm với bề trên, nó thể hiện lòng dâng hiến toàn vẹn cho sự giác ngộ, đại diện bởi các bậc Thầy và ngôi Tam Bảo; đồng thời cũng giúp cho ta gặt hái được nhiều công đức và lợi lạc. Khi ta gieo những hạt giống vào một cánh đồng, chính ta sẽ là người hưởng lợi chứ không phải cánh đồng. Sự cúng dường đến ngôi Tam Bảo cũng giống như vậy.
Có nhiều loại Mạn Ðà La. Những cảnh lâu đài thiên cung, nơi cư ngụ của các vị Bồ Tát, Hộ Pháp, được xem là một loại. Ðó là những kiểu mẫu thường thấy trên tranh ảnh (thangka). Riêng Mạn Ðà La dùng ở đây thuộc loại cụ thể, cấu tạo bằng một nền phẳng với những vòng tròn, gạo, hạt cây hoặc ngọc báu, tất cả tượng trưng cho toàn thể vũ trụ.
Quán tưởng trên hư không trước mặt, có một lâu đài Mạn Ðà La vĩ đại. Ở trung tâm là vị Bổn Sư (dưới hình dạng Vajradhara), phía trước ngài là những vị Thần Linh Quán [1], bên phải là chư Phật, đằng sau là tam tạng giáo điển, và bên trái là toàn thể Tăng Già. Ðây là Mạn Ðà La sơ khởi, đối tượng của sự cúng dường.
Tiếp theo ta cấu tạo một Mạn Ðà La khác với những dụng cụ nhỏ đặc biệt, và tụng lên bài kệ cúng dường.
Dùng một cái dĩa bằng phẳng làm nền tảng cho Mạn Ðà La (vật cúng dường). Một tay cầm dĩa, tay kia lau mặt dĩa và tụng bài chú 100 chữ của Vajrasattva để tẩy trừ mọi lậu hoặc. Sau đó, nhỏ một giọt nước (trong và thơm) lên trên tượng trưng cho Bồ Ðề Tâm hướng và lòng đại bi. Tiếp theo, đặt một cái vòng thứ nhất lên mặt dĩa và đổ đầy những hạt gạo, đậu, v.v..., ở bốn góc một vài hạt kim cương, ngọc báu [2]; sau khi đổ đầy vòng thứ nhất, tiếp tục như vậy cho đến vòng nhỏ cuối cùng, và đặt trên vòng này một bảo vật. Ðây là sự cúng dường cụ thể tượng trưng bên ngoài.
Trong lúc cấu tạo Mạn Ðà La để cúng dường bên ngoài, ta đọc lên bài kệ thích hợp. Ðọc đến đâu, quán tưởng đến đó, đây thuộc về ý cúng dường. Vật mà ta cúng dường tượng trưng cho toàn vũ trụ, thường được miêu tả trong giáo lý A Tỳ Ðàm (Abhidharma).
Vũ trụ thường được miêu tả dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ trường hợp, vì căn cơ và nghiệp báo của thính chúng không đồng, nên khiến mỗi người thấy sự vật khác nhau. Riêng theo sự miêu tả ở đây thì có một dãy đất bằng huỳnh kim, chung quanh bao bọc bởi những bức tường sắt, bên ngoài là biển mặn. Bên trong bức tường, ở bốn góc có bốn châu (lục địa), mỗi châu lại nằm giữa một đại dương.
Từ mỗi châu tiến dần vào trung tâm điểm gồm có bảy vòng đai xen kẽ với bảy núi vàng và bảy hồ thanh lương. Ở trung tâm điểm là núi Tu Di (Suméru), hình vuông giống bửu tháp (stupa) bốn tầng. Mặt núi phương đông bằng ngọc pha lê trắng, phương nam bằng ngọc lưu ly, phương tây bằng ngọc hồng bào và phương bắc bằng ngọc bích.
Bầu trời và mặt biển ở bốn phía đều mang cùng màu tương hợp với ngọc núi. Lục địa (châu) phương đông hình bán nguyệt, mặt thẳng đối diện núi Tu Di, lục địa phương nam hình thang, lục địa phương tây hình tròn và lục địa phương bắc hình vuông.
Quả đất chúng ta đang ở thuộc phương nam (Nam Thiện Bộ Châu), biển và bầu trời màu xanh lơ. Những châu còn lại (đông, tây, bắc), ta không thể đến được bằng tàu bay hay phi thuyền, trừ khi ta tạo những nghiệp tương ưng với các chúng sinh ở đó.
Bài kệ mà ta phải lập lại 100.000 lần trong lúc thược hành pháp này là: "Hướng về tất cả các cõi Tịnh Ðộ của chư Phật, con xin cúng dường Mạn Ðà La này, làm bằng hoa, dầu thơm, trầm hương, trang hoàng với núi Tu Di, tứ châu và nhật nguyệt. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được sinh về các cõi Tịnh Ðộ."
Bằng sự cúng dường này, ta sẽ tích tụ được hai thứ: phước đức và trí huệ.
Sau khi cúng dường xong, quán tưởng tất cả chư Phật, Bồ Tát trong Mạn Ðà La đối tượng, tan biến thành hào quang và thấm nhập vào ta.
Cúng dường Mạn Ðà La cụ thể và ý tưởng giúp ta gặt hái nhiều công đức. Cùng lúc đó, ta phải quán chiếu luôn về tánh Không của các pháp, tức năng cúng và sở cúng đều trống rỗng, không có thực tánh, nhờ đó trí huệ sẽ tăng trưởng. Tích tụ công đức dẫn đến sự thành tựu Hóa thân (Nirmanakaya) và Báo thân (Sambhogakaya).
Những chúng sinh tu hành nhiều đời, gieo tạo căn lành có thể thấy được Hóa thân Phật. Riêng Báo thân Phật, chỉ có hàng đại Bồ Tát, những vị đã thực sự trực nghiệm tánh Không (Sunyata) mới thấy được. Tích tụ Trí Huệ (Bát Nhã) dẫn đến sự chứng đạt Thể Tánh thân (Svabhavakaya) và Pháp thân (Dharmakaya). Theo ý nghĩa tập luận ở đây thì Thể Tánh thân chính là nhất thiết trí của Phật, còn Pháp thân là tổng tánh bất dị của ba thân trước. Tuy nhiên. ở vài nơi khác, sự định nghĩa của hai thân này có thể đổi ngược, nhưng thường thì chỉ có Pháp thân là hay được đề cập đến.
Ðến đây chấm dứt phần dự bị tu tập thứ ba: cúng dường Mạn Ðà La.
Chú thích:
[1] Divinité de méditation (Yidam): tức là các vị Bồ Tát Hộ Thần, Hộ Mạng, còn được dịch là Ðại Thần Linh Thủ Hộ. Những vị này xuất hiện rất nhiều trong các pháp thiền quán Mật giáo và giữ một vai trò trọng yếu đối với hành giả Mật tông Tây Tạng.
[2] Kim cương, ngọc báu ở đây không bắt buộc là đồ thiệt. Có thể dùng những đồ trang sức bằng nhựa hay đá đẹp để tượng trưng
Bổn Sư Du Già
Bài dự bị tu tập chót nhằm mục đích tích tụ công đức và sự gia hộ hay ban phép lành của chư Tổ. Ðó là Guru Yoga.
Ở đây ta phải quán tưởng ta dưới hình dạng của một Thần Linh Quán (divinité de méditation).
Quán tưởng ở phía trên đầu là vị Bổn Sư (Lama racine) hiện dưới hình dạng thông thường hoặc của một Thần Linh Quán. Sau đó tất cả chư Tổ của giòng truyền (lignage) ngược trở lên cho đến đức Phật Vajradhara đều ngồi theo một hàng dọc hoặc chung quanh trên đầu vị Bổn Sư. Tiếp theo ta hướng về chư vị đó và cầu nguyện với lòng thành khẩn, tôn kính chân thật vô biên.
Khi lòng thành khẩn của ta tăng trưởng đến mức tột cùng, hãy giữ nguyên trạng thái đó và bắt đầu quán tưởng chư Phật, Bồ Tát, chư Thần Dakas, Dakanis, Hộ Pháp, Hộ Mạng, chư Tổ đều tan nhập vào vị Bổn Sư. Vị Bổn Sư lúc đó phải được xem là hóa thân của tất cả các vị trên.
Có nhiều loại Thần Linh Quán, đối tượng của Guru-yoga. Ta có thể quán tưởng vị Bổn Sư dưới hình dạng thông thường hoặc hình dạng Vajradhara, Marpa, Milarépa, Gampopa, Karmapa, v.v...
Tiếp theo, thực hiện sự cúng dường bên ngoài, bên trong và bí mật, cũng như bài Kinh "Thất Nguyện" (Septuple Puja).
Bài Kinh Thất Nguyện gồm: 1) Lễ lạy, 2) Cúng dường, 3) Sám hối, 4) Tùy hỷ công đức, 5) Thỉnh quý Thầy giảng pháp, 6) Thỉnh quý Thầy trụ thế, 7) Hồi hướng công đức.
Khởi tâm trở về nương tựa Tam Bảo, củng cố tâm Bồ Ðề và cầu nguyện như sau: "Tất cả chúng sinh (là cha mẹ quá khứ) số lượng như hư không, xin hướng về Bổn Sư hiện thân của tam thân Phật, hãy từ bi ...".
Bài cầu nguyện trên dạy rằng phải quán tưởng vị Bổn Sư không khác đức Phật, hiện thân của Tam Bảo. Thân của ngài tiêu biểu cho Tăng Già, lời của ngài là Giáo Pháp và tâm của ngài là chư Phật. Thân, ngữ, ý của Phật chính là Tam Bảo và cũng không khác tam thân Phật. Bài tụng trên có thể được lập đi lập lại 100.000 lần hoặc hơn. Thông thường hành giả cũng tụng thêm bài kệ sáu câu của ngài Karmapa đệ nhất và một triệu lần bài chú của ngài: "Con thành tâm cầu nguyện đến ngài, vị Thầy tôn kính. Xin ngài gia hộ cho con khiến:
1) Tâm con không còn chấp chặt vào một cái "Ta thường hằng".
2) Giòng tâm thức của con có khả năng thấy rằng tất cả ý tưởng thế gian đều là ảo ảnh.
3) Tất cả ý nghĩ trái ngược Phật pháp đều ngưng khởi.
4) Con hiểu rằng bổn tâm vốn bất sanh (diệt).
5) Tất cả thành kiến sai lầm (nhị biên) đều tiêu tan.
6) Con thấu triệt các pháp đều là Pháp thân."
Sau đó vị Thầy (Lama) tan nhập vào ta. Quán tưởng rằng thân, ngữ, ý của ngài và Tâm ta trở thành một, không hai, không khác. Hãy trụ trong trạng thái bất nhị đó càng lâu càng tốt.
Sau khi tụng chú xong, quán tưởng vị Bổn Sư đang truyền cho ta bốn phép điểm đạo Mật giáo (initiations tantriques):
Trước hết từ trán vị Bổn Sư, một hào quang trắng phóng ra bay vào trán ta, tẩy trừ tất cả phiền não thuộc thân nghiệp. Ðây là điểm đạo sơ khởi, giúp ta tu tập các pháp trong giai đoạn tăng trưởng và gieo những chủng tử của sự thành tựu Hoá thân.
Từ cổ vị Bổn Sư, một hào quang đỏ phóng ra bay vào cổ ta, tẩy trừ tất cả phiền não thuộc khẩu nghiệp. Ðây là điểm đạo bí mật, giúp ta quán chiếu về giai đoạn thành tựu các pháp dẫn chuyển những luồng khí lực vi tế trong thân và gieo những chủng tử của Báo thân.
Từ tim vị Bổn Sư, một hào quang xanh lơ phóng ra bay vào tim ta, tẩy trừ tất cả phiền não thuộc ý nghiệp. Ðây là điểm đạo trí huệ, giúp ta tiến tu các pháp siêu nhập và gieo những chủng tử của Pháp thân.
Cuối cùng, cả ba hào quang trắng, đỏ, xanh từ ba nơi trên người vị Bổn Sư đồng phóng ra bay vào trán, cổ, và tim ta, tẩy trừ tất cả phiền não của ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ðây là điểm đạo linh âm tối thắng, giúp ta thành tựu Ðại Thủ Ấn, hay giai đoạn vô tướng và gieo những chủng tử của Thể tánh thân.
Sau lễ điểm đạo, tất cả chư Tổ của hệ phái tan nhập vào vị Bổn Sư, và vị này cũng tan nhập vào ta.
Hãy trụ trong trạng thái bất nhị và vô niệm này. Sau đó hồi hướng công đức cầu cho tất cả chúng sinh sớm mau giác ngộ.
Nếu tinh tấn tu tập pháp này ta sẽ nhận được nhiều sự gia trì, ủng hộ của chư Tổ, khiến ta sớm thâm nhập được Ðại Thủ Ấn.
Ðến đây kết thúc phần dự bị tu tập đặt biệt của Kim Cang thừa: Bổn Sư Du Già.
(Hết chương II)
Sám hối và hồi hướng
NAM MÔ SA BÀ GIÁO CHỦ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
- Mọi sai sót xin được sám hối.
- Nếu có chút công đức nào, xin hồi hướng cho tất cả những ai có duyên với Phật Pháp và cho tất cả chúng sinh, cầu cho họ được thân tâm an lạc, tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, ai chưa biết Phật Pháp sẽ biết, ai chưa tin sẽ tin, ai tin rồi tin sâu hơn, tâm Bồ Đề kiên cố, tu tập tinh tấn để sớm thoát khỏi sinh-tử luân hồi.
A Di Đà Phật
- Nếu có chút công đức nào, xin hồi hướng cho tất cả những ai có duyên với Phật Pháp và cho tất cả chúng sinh, cầu cho họ được thân tâm an lạc, tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, ai chưa biết Phật Pháp sẽ biết, ai chưa tin sẽ tin, ai tin rồi tin sâu hơn, tâm Bồ Đề kiên cố, tu tập tinh tấn để sớm thoát khỏi sinh-tử luân hồi.
A Di Đà Phật