Lễ Phật và Y học

Lễ Phật và Y học
(lược trích)


Ðạo Chứng Pháp Sư biên thuật

Chuyển ngữ: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa

---o0o---

PHẦN THỨ NHẤT: DẪN NHẬP

CHƯƠNG I:

I. LỄ PHẬT LÀ MỘT HÀNH ÐỘNG RÈN LUYỆN TỰ GIÁC, LÀ SỰ HƯỞNG THỤ TỐI CAO

Có người cứ nghe nói đến việc “lễ Phật” bèn bài xích là hành động mê tín, chứ thật ra đối với ý nghĩa của chữ Phật và đạo lý “lễ bái” hoàn toàn chẳng hiểu gì nên mới ngộ nhận như thế. Lễ Phật nào phải là sùng bái, van vái thần minh bên ngoài một cách mù quáng, mà chính là một hành vi hợp lý, đúng đắn, có tiềm năng thâm nhập, khai phát tự tánh nội tại. Lễ bái chẳng những giúp cho thân, tâm khang kiện, mà còn có thể giúp ta huấn luyện năng lực giác chiếu cao cấp. Nếu bàn đến tác dụng “khiến tâm vui vẻ, sảng khoái, an định” thì lễ bái cũng là cách hưởng thụ pháp lạc cao quý. Nếu đã có thể tin tưởng vào lời giải thích căn bản trên thì không ai lại chẳng tán thành, đề cao hoạt động thân, tâm, tinh thần ưu tú này.

Có nhiều phương thức biểu đạt sự lễ kính sai khác. Do mỗi quốc gia có một nền văn hóa sai khác nên phương thức biểu đạt lễ kính cũng phải sai khác. Chẳng hạn như: Nước thì chắp tay, nước thì khom mình, có nước cúi đầu để biểu đạt ý lễ kính. Tại Tây Tạng, thường dùng phương thức “đại lễ bái” để lễ Phật. Thậm chí ngay nơi lúc trời Ðông tuyết đọng, họ vẫn kiền thành rạp lạy toàn thân, nằm mọp xuống đất, hai tay hướng thẳng về trước, ép sát xuống đất.

Tại Ấn Ðộ, có chín phương thức biểu đạt sự lễ kính, gọi là “Thiên Trúc cửu nghi”:

1. Mở lời thưa hỏi.

2. Cúi đầu biểu thị sự cung kính.

3. Giơ tay lên cao vái chào.

4. Chắp tay đặt ngang ngực.

5. Co gối (Ấn Ðộ coi phía phải tượng trưng cho chánh đạo, vì thế trong kinh thường thấy nói “trật áo vai hữu, gối phải chấm đất, gối trái dựng thẳng lên” để biểu thị sự lễ kính).

6. Quỳ thẳng (hai gối cùng đặt sát đất, mũi bàn chân chạm đất).

7. Bàn tay và gối cùng chạm đất.

8. Ngũ luân cùng gập lại (ngũ luân còn gọi là ngũ thể) tức là đầu, hai gối, hai tay thảy đều cong lại

9. Ngũ thể đầu địa (năm vóc gieo xuống đất) là cách lễ kính cao nhất, còn gọi là “đảnh lễ”, “đầu diện lễ”, “tiếp túc lễ”; hàm ý: dùng phần cao nhất trong thân ta là đầu mặt chạm đất để kính lễ, ôm lấy chân người nhận lễ. Cách này còn gọi là “ngũ luân đầu địa” vì đầu, hai tay, hai gối đều chạm đất.

Chín cách lễ bái trên liệt kê theo thứ tự từ khinh đến trọng (chép theo sách Ðại Ðường Tây Vực Ký).



II. CÓ NHIỀU CÁCH LỄ NGŨ THỂ ÐẦU ÐỊA KHÁC NHAU, NHƯNG MỖI CÁCH ÐỀU CÓ Ý NGHĨA SÂU XA

Trong các đạo tràng, chùa miếu của ta, phần nhiều dùng cách “ngũ thể đầu địa” để lễ Phật. Tuy cùng gọi là “ngũ thể đầu địa”, nhưng có nhiều cách thực hiện khác nhau:

1) Trước phải sau trái: Tại Ấn Ðộ, dùng phía phải tượng trưng cho Chánh Ðạo nên quỳ gối phải trước, theo thứ tự: tay phải rồi tay trái chạm đất, biểu ý: tôn trọng chánh pháp, nguyện cho chúng sanh đắc Giác Chánh Ðạo.

* Cách lạy: Ðứng ngay thẳng, chắp tay ngang trán (cánh tay hơi chạm theo mép áo). Trước hết là gối phải rồi đến gối trái, hai khủy tay lần lượt theo thứ tự chạm đất, rồi xòe hai tay ra, lòng bàn tay ngửa lên. Quán tưởng như đang chạm vào chân đối phương, dùng trán dập xuống đất một lạy (theo Phật Quang Ðại Từ Ðiển, điều 6.582).

2) Phải trái cùng lúc: Hai tay đối xứng đồng thời chạm đất, hai gối cũng đồng thời chạm đất. Cách lạy này dùng tả, hữu tượng trưng cho Chỉ - Quán, Ðịnh - Huệ, Quyền - Thật, Từ - Bi nên dùng trái phải cùng lúc, biểu thị các ý nghĩa: “Ðịnh Huệ Ðẳng Trì” (cùng bình đẳng gìn giữ Ðịnh lẫn Huệ), “Từ Bi Song Vận” (cùng vận dụng Từ và Bi), “Chỉ Quán Song Vận”...

Do hai cách lạy này, cách nào cũng có đạo lý, ý nghĩa sâu xa, chúng ta đều phải bình đẳng học tập, thâm nhập thể hội.



III. TINH THẦN, THÁI ÐỘ ÐÚNG ÐẮN TRONG VIỆC HỌC TẬP CÁCH LỄ PHẬT

Do những điều vừa nói trên, ta biết lễ Phật có nhiều cách khác nhau, trong mỗi đạo tràng lại quen dùng những cách thức lễ Phật khác nhau. Mỗi cách thức đều có điểm đặc sắc, ý nghĩa và ưu điểm khác nhau. Ðến mỗi nơi, chúng ta phải đặc biệt lưu tâm. Ðến trong đạo tràng nào để tham gia đoàn thể cộng tu, chúng ta đều phải tôn trọng sự chỉ dạy của người lãnh đạo, và cũng phải tôn trọng phương tiện và cách sắp đặt trật tự đoàn thể của họ, cần phải làm đúng theo nghi thức được sử dụng bởi đạo tràng ấy. Bởi lẽ, tôn trọng người khác cũng là biểu hiện sự lễ kính chư Phật, là thực tiễn để hòa thuận với chúng sanh. Chúng ta phải bắt chước như hang núi trống rỗng hòng hấp thâu những điều sở trường của người khác thì mới có thể tự mình cải tiến không ngừng, sửa mình ngay thẳng. Như vậy mới là tu hành, mới là lễ Phật, mới là tinh thần học Phật khiêm kính, mới là thái độ đúng đắn. Những phương pháp lễ Phật chúng tôi giới thiệu ở đây chỉ là nhằm kính trình mọi người tham khảo mà thôi.



IV. ÐỪNG KHỞI NHỮNG TÂM THÁI SAI TRÁI KHIẾN CHÍNH MÌNH BỊ CHƯỚNG NGẠI

Ngàn vạn phần chúng ta chớ vì người khác dùng cách thức lễ bái khác với cách mình đã học trước đây hoặc khác với tư thế mình quen dùng mà nảy sinh tâm lý kháng cự, chẳng chấp nhận, tự sanh lòng phiền não (chẳng những chỉ đối với việc lễ Phật như vậy mà đối với những điều khác cũng đều nên như vậy), hoặc lãng phí tinh thần vào những hoài nghi, không cách nào thâm nhập, lãnh hội những điểm hay của họ. Chớ vì một động tác nào ta không học được mà ngã lòng, chán nản. Hoặc vì gân cốt thiếu vận động, trở thành cứng cỏi chẳng thể thực hiện ngay được động tác ấy bèn chán nản. Thậm chí phê bình mù quáng, sanh tâm khinh mạn thì là hoàn toàn chẳng phù hợp với nội dung của tinh thần lễ Phật, mà cũng là trái nghịch với mục đích của việc lễ Phật là khai phát Phật tánh, mỹ đức nơi tự tâm.



V. ÐIỀU PHỤC THÂN TÂM, KHIÊM KÍNH, NHU NHUYỄN

Học tập lễ Phật thì điều đầu tiên là phải hàng phục thái độ kiêu căng, lười nhác, ngạo mạn của chính mình, điều hòa, làm dịu đi sự ngoan cố, bướng bỉnh, khẩn trương nơi thân tâm mình. Hễ tâm đã khoan hòa, rỗng rang, từ bi, dịu dàng thì thân cũng tự nhiên thong dong, đoan chánh, linh hoạt, khí huyết cũng thông suốt. Nếu như tâm căng thẳng, cố chấp vào một thói quen nào đó, thân sẽ tự nhiên trở nên cứng còng, mất đi tánh linh hoạt, dẻo dai, biến thành lão hóa, các công năng của thân bị thoái hóa, bệnh tật phát sanh.



VI. LỄ PHẬT LÀ MỘT CÁCH VẬN ÐỘNG ÐỂ KHÔI PHỤC THÂN TÂM KHANG KIỆN

Phật là bậc giác ngộ. Ngài cũng là bậc Ðại Y Vương về thân và tâm. Lễ Phật là hình thức vận động phù hợp với những nguyên lý của y học, khiến cho nội tâm giao cảm với bậc Ðại Y Vương, khiến cho công năng chữa bệnh tự nhiên được phát khởi, có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, đề phòng bệnh tật, tự mình điều tiết, khiến cho thân, tâm và cả thế giới cùng điều hòa. Vì thế, lễ Phật tiêu trừ được nguyên nhân gây bệnh, chữa lành tật bệnh.

* Lời Phụ:

Lễ Phật nên mặc y phục tề chỉnh, sạch sẽ.

Nếu là người xuất gia phải nên đắp y (y trơn tức là mạn y hoặc ca-sa). Nếu là cư sĩ tại gia thì phải nên mặc lễ sám y (tức là mạn y), hoặc mặc y phục thống nhất theo quy định của từng đoàn thể. Cố gắng tránh mặc y phục không tề chỉnh, đừng đội mũ, mặc quần áo quá ngắn hở lưng, hở đùi. Trong tập sách này, do phương tiện giúp cho người mới học hiểu rõ những điểm trọng yếu của từng động tác, nên [các người mẫu] không mặc quần áo rộng rãi. Vì thế, khi chụp hình, người lễ Phật không mặc áo tràng (hải thanh) hay đắp y (mạn y hay quải y), chỉ ăn mặc rất sơ sài như thế. Xin mọi người lúc tự tu, phải nên tận tâm lễ kính. Thập phần cung kính ắt thập phần lợi ích.



VII. DO LỄ PHẬT LÀ TU TẬP VỀ MẶT SỰ MÀ KHẾ NHẬP LÝ SÂU

Cách lễ Phật chúng tôi giới thiệu ở đây về cơ bản là tuân theo cách thức do ân sư là Pháp Sư thượng Sám hạ Vân truyền dạy tại Ðại Chuyên Học Sinh Trai Giới Học Hội, phối hợp những lời thuyết minh thô thiển theo nguyên tắc giải phẫu sinh vật. Chỉ mong mọi người lúc mới học cách lễ Phật, trước hết, trong từng động tác sẽ được lợi ích thân tâm mềm mại, dần dà sẽ nhập Lý sâu. Vì thế, bước đầu là phù hợp với những nguyên tắc của giải phẫu học, sinh lý học, vật lý học (hòng tránh khỏi những chướng ngại nơi thân nghiệp, nội tâm an định). Cao hơn là từ việc lễ Phật trên mặt sự tướng, sẽ khế nhập lý Thật Tướng.

Xin quý vị chớ vì cách thức mình lễ Phật không đúng, trái nghịch với những nguyên tắc sinh lý học, động tác gấp rút, mất sức khiến mình bị mệt mỏi, đau đớn mà ngã lòng (Có người lại do đó quy tội cho việc lễ Phật. Ði đâu cũng bảo lễ Phật có những điều chẳng thoải mái như thế đó, tựa hồ mười phương chư Phật xử tệ với họ. Ðấy chẳng những là chẳng hiểu rõ lý, mà thậm chí còn gây tạo khẩu nghiệp, khiến người khác lầm tưởng lễ Phật là chẳng thoải mái, rất khổ sở. Kỳ thật, chỉ vì người ấy lầm lạc mà thôi!)



VIII. LỄ PHẬT TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG, CHỚ LẦM TƯỞNG LÀ KHỔ NHỤC KẾ

Lễ Phật là để tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu trừ trần lao cũng như tiêu trừ những chướng ngại đã tích lũy từ những tư thế chẳng đúng trong các hành vi thường nhật, kéo duỗi các chỗ căng thẳng, co rút, tiêu trừ những ứ trệ, đả thông những chỗ bế tắc, rèn giũa thân tâm không chướng ngại, chứ chẳng phải là khổ nhục kế.

Có kẻ cho rằng càng lễ Phật đến nỗi kiệt sức, thống khổ, càng quỳ đến nát cả đầu gối, mọp đầu đến rách trán, thì càng được Phật, Bồ Tát thương xót. Sau đấy vì quá mệt mỏi, kiệt sức, không cách chi giữ mãi như thế được, tâm bèn lui sụt, hối hận. Do chẳng nhẫn được sự cực khổ quá mức (cũng là do chưa xả được nỗi khổ nơi da thịt) bèn viện cả đống lý do: “Vì tôi lễ Phật chẳng được khoẻ khoắn như thế, bác sĩ bảo tôi đừng nên lễ Phật”. Ðấy cũng là hạng thiếu tín tâm, chưa hiểu rõ lý rốt ráo. Thật ra, chẳng phải vì lễ Phật mà không khỏe khoắn, mà chính là vì chẳng hiểu cách lễ Phật và nhiều vọng tưởng nên mới không khỏe khoắn!

Kẻ mạt học này lúc mới học cũng hiểu lầm như thế, chẳng nắm được yếu lãnh, lễ Phật đến mệt nhoài nhọc khổ, cho rằng lễ Phật rất mệt mỏi, sau rồi mới biết là chính mình lầm lạc.



IX. NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN SỰ MỆT NHỌC TRONG KHI LỄ PHẬT

Lúc ban đầu tập tành lễ Phật, thấy nhọc nhằn, đau khổ là vì:

- Phương pháp chẳng thích đáng, tư thế mâu thuẫn với những nguyên tắc kiện khang của sinh lý học: chẳng khéo giữ trọng tâm theo vật lý học, chẳng khéo dùng lực tự nhiên, tự dùng sức một cách nhầm lẫn, lãng phí sức.

- Các khớp, khủy, gân, thịt của mình vốn đã sẵn có những phế vật ứ trệ hoặc đã tiêu mòn vì tuổi tác (khác nào khe nước vốn sẵn có bùn lầy lắng đọng), lại còn thiếu vận động nhiều năm (giống như khe nước chẳng hề nạo vét). Trong tình huống như thế, toan vét sạch một lúc thì đương nhiên những bùn lầy chìm đắm, ứ đọng sẽ nổi lên khiến cho nước trong khe ngầu đục quá mức. Chỉ cần liên tục đổ nước trong vào, tự nhiên bùn lầy sẽ trôi đi, khôi phục sự trong sạch. Quý vị nên hiểu rõ: Lúc nạo vét sạch, chất bẩn thỉu, tạp nhạp nổi lên chính là những bùn lầy sẵn có, chứ nào phải đâu do nạo vét sạch mà có. Nếu bảo là do nạo vét mới có bẩn thỉu, tạp nhạp thì chính là chẳng quan sát, suy nghĩ rõ ràng vậy.

Cùng một lý ấy, nếu phương pháp lễ Phật đã chính xác mà cảm thấy có bộ phận nào đặc biệt co rút hoặc đau đớn thì đấy chính là những “bùn lầy” ứ đọng nhiều năm hiển hiện, cho thấy chỗ ấy vốn bị ứ trệ hoặc mòn mỏi vì tuổi già, chứ nào phải là Phật hại chúng ta, cũng chẳng phải do lễ Phật mới bị đau đớn. Nói cách khác, lúc quét dọn thấy bẩn thỉu, lộn xộn, đấy chính là dấu hiệu báo trước cho sự thanh tịnh, quý vị càng nên tin tưởng dọn dẹp. Xin quý vị hãy quan sát, suy nghĩ chính xác, sự lý phân minh, chớ thấy mình có chút bịnh vặt liền quy tội cho việc lễ Phật.

Người hằng ngày thiếu vận động, bảo đi một đoạn ngắn đã thấy đau chân, bảo khiêng vật nặng liền kêu đau hông, nhức lưng; đương nhiên khi lễ Phật cũng phải bị đau nhức, mỏi nhọc. Kỳ thật chỉ vì các chi thể thiếu được huấn luyện, hoạt động, chẳng tuần hoàn tốt, cho nên sự chuyển hóa năng lượng và thải trừ các chất cặn bã đều yếu kém. Do vậy, phải khéo luyện tập, nếu không lương tri, lương năng sẵn có sẽ bị mất đi. Tuổi trẻ không tập luyện, đến già sẽ phải chịu khổ không thể nói. Ðã nhận thức được [giá trị của] sự tập luyện thì mới có thể đột phá [những khó khăn].



X. DỐC LÒNG VÀO MỘT CHỖ THÌ KHÔNG VIỆC GÌ CHẲNG HOÀN THÀNH, ÐỪNG PHÍ TINH THẦN THAN THỞ, GIẬN HỜN

Trong nhà Phật, có rất nhiều người có thể mỗi ngày lễ Phật cả ba ngàn lạy, lặng lẽ dụng công (mặt chẳng đổi sắc, thung dung tự tại), đủ thấy họ là những người lễ lạy có phương pháp, có rèn luyện. Quý vị phải khéo tự trân trọng bản năng Phật tánh, dụng tâm khai ý, đừng lãng phí thời gian, tinh lực quý báu để than khổ và oán hờn. Thậm chí suốt ngày bôn ba tìm người khác giãi bày nỗi khổ, chẳng dụng tâm tự giải ngộ! Nếu có thể đem hết tâm lực than khổ, bất mãn đó chuyên chú nơi việc khai phát tự tâm thì những phiền muộn đó sẽ bị trừ sạch! Phật nói: “Dốc lòng vào một chỗ, không sự gì chẳng hoàn thành”. Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ người thiếu lòng!



XI. NHỮNG ÐIỂM MẤU CHỐT KHIẾN VIỆC HỌC LỄ PHẬT TRỞ THÀNH KHÓ KHĂN HAY DỄ DÀNG

Quan sát những người tập luyện lễ Phật, chúng tôi nhận thấy:

- Những đứa trẻ ngây thơ, thoải mái, không có tâm thành kiến sẽ học rất nhanh. Có thể nói là chỉ vẽ cách lạy cho chúng từ một đến ba lần, đại đa số bọn trẻ đều làm được ngay. Ðủ thấy đây là một loại động tác đơn giản, dễ học. Quý vị đừng cho cách lễ Phật này là rắc rối, khó khăn, sanh tâm chán nản. Cũng từ sự kiện trên, ta thấy lúc tâm không vướng mắc, thong dong, mềm dịu sẽ có khả năng học tập rất tốt, giác tánh sẽ phát khởi công dụng tốt nhất, trí huệ dễ khai phát nhất.

- Ðối với người trưởng thành, những người chưa từng học qua cách lễ Phật (tâm không có sẵn thành kiến) sẽ học rất nhanh vì chẳng bị thói quen từ quá khứ gây trở ngại, nắm được yếu lãnh rất nhanh, đạt được lợi ích thân tâm nhu nhuyễn.

- Những người khó tập nhất là những người cá tánh khẩn trương, bướng bỉnh, hay những người cố chấp vào tập quán quá khứ. Là vì họ chỉ mơ hồ thuận theo động tác đã quen, chẳng đặt chút ý niệm giác tánh. Vì thế, lúc lễ Phật mơ màng trên dưới, tâm chẳng chuyên chú (thân cứ theo thói quen đứng lên, sụp xuống, tâm mơ tưởng chuyện khác). Bởi vậy, chẳng biết mình đang làm gì. Ðứng lệch chẳng biết là đứng lệch. Chắp tay chẳng biết là năm ngón so le, tán loạn. Mỗi một động tác đều là vọng tưởng, làm qua quít mơ hồ, chẳng hề dụng tâm minh bạch rõ ràng để tự quán chiếu. Ðấy là buông thả theo thói quen của tự thân, cô phụ giác tánh của mình. Lễ Phật một lạy vốn là việc có thể hiểu rõ trong vài giờ, nhưng nếu học tập như thế thì mười năm cũng học chẳng xong. Thậm chí học hơn cả mười năm, ngay cả động tác chắp tay cũng so le, tán loạn. Ngay trong lúc khiêm cung cúi đầu cũng vẫn hồ đồ ngửa đầu, thẳng cổ. Ngay trong khoảnh khắc ấy chẳng dụng tâm thì cái tật nhỏ cố hữu ấy dù mười năm vẫn chẳng thay đổi được.

Bởi thế, việc tu tập chẳng nhìn vào thời gian mà chú trọng tại một niệm tâm ngay trong lúc ấy có chuyên chú, có thong dong, có cung kính hay không.



XII. GIẢI ÐÁP THẮC MẮC

Có người cho rằng: “Lễ Phật chỉ là để biểu hiện sự lễ kính, cốt sao trong tâm cung kính là được, việc gì phải giảng phương pháp lễ Phật? Phiền phức quá!”

Có người nói: “Phật và chúng sanh bản thể là không. Ðều cùng là tánh Không, cần gì phải chấp trước sự tướng lễ Phật? Cần gì phải giảng giải, nghiên cứu phương pháp lễ Phật cơ chứ?”

Ðối với câu hỏi thứ nhất, chúng ta phải hiểu rõ rằng học Phật tu trì thì phải “sự lý viên dung”, chẳng thể chấp trước vào Lý, phế bỏ tu hành về mặt Sự, cũng chẳng thể chấp vào sự tướng nhưng chẳng hiểu rõ đạo lý (Ngẫu Ích đại sư nói: “Chấp lý phế sự thì lý cũng chẳng viên dung” và “toàn sự tức lý, toàn lý tức sự”).

Trong tâm có ý niệm cung kính thì lòng thành bên trong biểu hiện ra ngoài. Hoàn toàn chẳng thể nói tôi đối với anh có ý cung kính là tốt rồi. Anh đến nhà tôi, tôi chẳng thèm lý đến, dòm ngó gì đến, thản nhiên coi truyền hình, anh hỏi tôi cũng chẳng đáp. Có thức ăn ngon, tôi ăn một mình, dành vỏ trái cây, thức ăn hư, cơm xấu cho anh. Tin chắc là nếu có ai đối xử với anh như thế, nhất định anh chẳng thể nào nghĩ trong tâm họ có ý kính trọng anh được! Vì thế lòng kính trọng phải có thái độ và lời nói tương xứng, và cũng cần phải có phương cách để biểu lộ.

Nếu như ta bụng đói, trong lòng muốn ăn, ắt sẽ có hành động, biểu hiện mong được ăn no. Ðã có ý muốn ăn mà vẫn còn suy xét cách ăn, thực đơn, thậm chí phân tích mức dinh dưỡng, hiệu năng của thức ăn. Thậm chí còn nghiên cứu các phép tắc ứng xử nơi bàn ăn, huống hồ trong lòng có ý kính trọng mà chẳng cần phải nghiên cứu phương pháp kính lễ ư? Ngày ngày hễ muốn ăn liền dùng ăn uống để giải quyết, chẳng hiềm phiền phức, cớ sao đối với tâm ý kính cung kính lại ngại phiền toái?

Ðối với câu hỏi thứ hai: Ðiểm áo diệu trong đạo lý nhà Phật là “Có, Không chẳng hai” (nếu chấp vào không thì phế Sự tu, đó cũng là thiên chấp). Bản thể của hết thảy sâm la vạn tượng là Không, nhưng huyễn hiện giả tướng Có. Vì thế chẳng thể một bề chấp trước vạn tượng là có, chẳng biết bản thể của chúng là không. Cũng chẳng thể một bề chấp bản thể của chúng là Không, phủ nhận sự hiện hữu của vạn tượng. Bản thể của hết thảy sâm la vạn tượng thực chất là Không, nhưng chúng sanh huyễn thấy hình bóng của vạn tượng. Chẳng những thế, sự hiển hiện và biến hóa của giả tướng vẫn tồn tại theo định luật nhân quả (Nếu chấp trước vào Không, bác bỏ nhân quả, thì thành Ác Thú Không. Nếu chưa thể đối với lửa đốt, dao cắt vẫn an nhiên thì vẫn là chấp Có, sao lại bỏ Sự Tu?)

Thân chúng ta đây tuy “đương thể tức không” (ngay cái thân này chính là không), nhưng kẻ phàm phu chưa chứng ngộ vẫn chấp trước có thân thể, có tác dụng, có công năng. Nếu chúng ta cử động chẳng thích đáng, chẳng phù hợp với nguyên tắc vận động thì cứ theo lý nhân quả, sẽ phát sanh các thứ tật bệnh chẳng thoải mái (nguyên tắc vật lý và sinh lý chẳng thể ra ngoài quy luật nhân quả). Bệnh tật đương nhiên là không, nhưng vấn đề là kẻ phàm phu chưa tu chứng được tánh Không ắt nhiên sẽ chấp trước vào chuyện đau bệnh.

Thân thể giả hợp này giống như pháp khí, lẽ dĩ nhiên chẳng nên tham chấp nó quá mức, nhưng cũng chẳng nên ngược đãi nó một cách phi lý. Phật là bậc dùng Giả để tu Chân (vận dụng thân thể giả huyễn để tu hành, khế nhập Chân Lý). Ðã sử dụng giả tướng thì đương nhiên cũng chẳng thể lìa bỏ các nguyên tắc nhân quả của giả tướng được. Vì thế phải khéo vận dụng sao cho phù hợp với những nguyên tắc vật lý, sinh lý thì mới có thể phát huy lương năng, lương tri, khai phát được tiềm năng Phật tánh.

Do nhân lạy Phật bất đồng nên quả cũng sai khác. Phàm phu một mực chấp giả là chân, hệt như nằm mộng cứ chấp mộng là thật, có khi nào trong mộng lại biết đấy là mộng? Giả sử thân thể giả huyễn có bệnh khổ thì bèn thấy bệnh khổ là thật, chưa thể thấy bệnh đó là giả, chẳng hiện hữu! Vì thế nếu chúng ta sử dụng cái thân giả huyễn này chẳng đúng với nguyên tắc sinh lý, vật lý thì đương nhiên sẽ bị chướng ngại, khổ sở, bực bội vậy!

Miệng tuy nói lý Không, lúc bị đau bệnh, trọn chẳng thấy không nên bèn phiền bực. Chẳng bằng như lúc vận động, trước hết hiểu rõ phép tắc, khéo vận dụng để chẳng bị chướng ngại bức bách phải chịu khổ quả, cũng như sẽ chẳng bị mệt nhọc, khó chịu khi lạy Phật, để rồi lại ngờ Phật tổ không thiêng, chẳng ban ân cho mình!

Nói một cách nghiêm túc, [lễ lạy] một cách hồ đồ, mê muội, trên dưới tán loạn thì chẳng thể gọi là lễ Phật được! Bởi lẽ, Phật là Giác Giả, dùng sự giác ngộ để cảnh tỉnh tâm, soi xét, quán chiếu tường tận, giác ngộ thì mới là tương ứng với đạo. Theo Ðịa Trì Bồ Tát Giới, Bồ Tát hằng ngày phải tu công đức lễ Phật, nếu không tu như thế là phạm giới. Chỉ hàng Bồ Tát từ Sơ Quả trở lên mới là ngoại lệ (khai duyên). Nếu bảo chẳng cần đến sự tướng lễ Phật thì kẻ nói đó có đã chứng Sơ Quả hay chưa? Nếu đã chẳng chấp tướng thì lạy Phật nào có ngại gì?
Tags: ,

About author

A lotus for you, the Buddha to be