PHÂN TÍCH Ý NGHĨA PHẬT PHÁP VÀ NGUYÊN LÝ Y HỌC CỦA MỘT SỐ ÐỘNG TÁC
Hỏi: Cổ đức bảo lễ Phật như “thụ đảo sơn băng” (cây đổ, núi lở). Thế sao sách này lại bảo lễ Phật phải phù hợp với những nguyên lý, nguyên tắc?
Ðáp: Cổ đức dùng câu trên để diễn tả ý “nhất tâm tin tưởng” giống như cây đổ, núi lở hoàn toàn đều do sức hút của trái đất dẫn khởi, hoàn toàn nhờ mặt đất nâng đỡ, không hề hoài nghi, cách ngại, cưỡng chấp; chứ không phải là bảo đột ngột đổ ầm xuống đất. Dĩ nhiên, cây đổ, núi lở tự nhiên đều tuân theo nguyên tắc trọng tâm của vật lý. Ðấy chính là ý nghĩa “hợp lý” vậy.
I. Vì sao cần phải chắp tay?
1.1. Ý nghĩa:
Nhà Phật thường dùng những động tác, điệu bộ không lời để diễn tả những đạo lý cực thâm áo. Vì thế, tuy là những cử chỉ thường thấy, cũng chớ nên xem thường lướt qua. Chắp tay cũng thế. Từ cổ, người Ấn Ðộ quan niệm tay phải là “tay thần thánh”, tay trái là “tay bất tịnh”. Vì thế, trong mỗi sinh hoạt thường nhật, họ có thói quen phân biệt khi sử dụng hai tay. Chẳng hạn như: cầm thức ăn thì chuyên dùng tay phải, nhưng để tẩy rửa thứ gì ô uế thì chỉ dùng tay trái.
Nếu chắp hai tay lại, đấy là biểu thị sự hợp nhất của hai phương diện thần thánh và bất tịnh (tượng trưng cho sự dung hợp các phương diện đối lập, khôi phục diện mục chân thật nhất thể), mà cũng là biểu thị cho đạo lý chân tướng của vũ trụ (Thật Tướng vô nhị, mà cũng là vô bất nhị). Bát Nhã Tâm Kinh nói “bất cấu bất tịnh” là cũng thể hiện ý này. Vì thế, chắp tay để biểu thị bản lai diện mục tối chân thật của nhân loại.
Khi lễ Phật, hoặc lúc bình thường gặp nhau liền chắp tay, tượng trưng cho việc “lấy diện mục chân thành để gặp gỡ nhau”, tiêu trừ các thứ ngăn cách, vướng mắc, đối lập trong nội tâm. Tâm người này, người kia dung thông, hệt như một. Chắp tay cũng nhắc nhở phản bổn hoàn nguyên, ngộ nhập chân lý, khôi phục bổn lai diện mục, khế nhập Thật Tướng của vũ trụ.
Ta còn có thể hiểu là hai tay tương ứng biểu trưng Lý và Trí, Ðịnh và Huệ. Vì thế, chắp tay lại biểu thị Lý Trí nhất như, gìn giữ Ðịnh Huệ cân bằng. Mười ngón tay tương ứng với ngũ đại (địa, thủy, hỏa, phong, không) hoặc tương ứng với “thập Ba La Mật”.
Lại có thuyết cho rằng: Mười ngón tay tiêu biểu mười pháp giới. Ðầu ngón tay tán loạn tiêu biểu tâm chạy tán loạn trong mười pháp giới. Chắp tay lại chính là thâu nhiếp loạn tâm, chuyên chú nhất tâm hướng Phật (hướng về nhất chân pháp giới). Nhất tâm hướng Phật thì liền đó tâm quang chiếu trọn mười phương, mà cũng là cảnh tỉnh tu hành phải khế hợp Lý Sự tương ứng (ngay khi đó, xoay Sự hướng về Lý).
Chắp tay còn biểu thị sự cung kính. Sự cung kính ấy chẳng thuộc về tánh sai biệt, mà phát xuất từ cội nguồn Phật tánh. Cung có nghĩa là cùng một tâm chung. Cùng chung một Phật tâm chính là thể hội được đạo lý “đây kia đều vốn sẵn Phật tánh bình đẳng”; do đó, cung kính bình đẳng. Ðấy chính là đã thể hội được sự cung kính tự nhiên “bản lai nhất thể trước khi những quan niệm đối lập được hình thành”.
1.2. Phương thức
Theo Ðại Nhật Kinh Sớ, có mười hai cách chắp tay; chúng chính là cơ sở của các ấn khế. Cùng với sáu loại “quyền ấn” (ấn tạo thành bằng cách nắm tay), chắp tay (hiệp chưởng ấn) được gọi chung là “ấn mẫu”. Mười hai cách chắp tay này, mỗi cách đều hàm chứa ý nghĩa sâu xa
1. Kiên thật tâm hiệp chưởng: dựng đứng hai bàn tay lên, hai bàn tay áp chặt vào nhau không để hở | ||
2) Hư tâm hiệp chưởng: Còn gọi là “không tâm hiệp chưởng”. Giống như kiên thật tâm hiệp chưởng, nhưng hai lưng bàn tay hơi khum lên tạo thành khoảng hở giữa hai bàn tay. | ||
3) Vị phu liên hoa hiệp chưởng (chắp tay như đóa sen chưa nở): Còn gọi là “vị khai liên hoa hiệp chưởng” hay “Như Lai khai liên hiệp chưởng”. Gần giống với hư tâm hiệp chưởng nhưng khoảng trống tạo thành bởi hai bàn tay ép vào nhau rộng hơn, trông giống như búp sen chưa nở. | ||
4) Sơ cát liên hiệp chưởng (chắp tay như đóa sen vừa tách): chắp tay sao cho ngón út, ngón cái của hai bàn tay đâu nhau, các ngón còn lại để hơi xa nhau, trông giống như búp sen vừa hé nở. | ||
5) Hiển lộ hiệp chưởng: Ðặt hai bàn tay sao cho hai ngón út kề sát nhau, lòng bàn tay ngửa lên trên, không úp vào nhau (tức là lật ngửa bàn tay hướng lên trên, ép sát cạnh bàn tay ở phía ngón út vào nhau; các ngón khít nhau). | ||
6) Trì thủy hiệp chưởng (chắp tay như đang vốc nước): hai bàn tay ngửa lên, các đầu ngón tay hơi co lại, chạm vào nhau, chỉ trừ hai ngón cái đặt bên hông hai ngón trỏ, như thể đang vốc nước. | ||
Ô thứ nhất dòng 2 | 7) Quy mạng hiệp chưởng: còn gọi là “kim cang hiệp chưởng”. Mười đầu ngón tay đan xen kẽ nhau, năm ngón tay của bàn tay phải đặt phía trên năm ngón tay bàn tay trái. | |
Ô thứ nhất dòng 2 | 8) Phản xoa hiệp chướng (chắp tay đan ngược ngón): Ðâu hai lưng bàn tay vào nhau, mười đầu ngón tay xen kẽ giống như trên. | |
Ô thứ nhất dòng 2 | 9) Phản bối hỗ tương trước hiệp chưởng (chắp tay áp ngược lưng nhau): Ngửa bàn tay phải lên đặt nằm ngang trên lưng bàn tay trái, lưng hai bàn tay áp vào nhau. Ðầu các ngón của hai tay ngược chiều nhau. | |
Ô thứ nhất dòng 2 | 10) Hoành chù chỉ hiệp chưởng (chắp tay các ngón chống ngang nhau): Gần giống cách “trì thủy hiệp chưởng”, ngửa hai bàn tay lên, chỉ có hai ngón giữa giống vào nhau, các ngón khác hơi tách ra. | |
Ô thứ nhất dòng 2 | 11) Phúc thủ hướng hạ hiệp chưởng (úp tay hướng xuống dưới chắp tay): hai bàn tay đặt ngang, úp hai lòng bàn tay hướng xuống, nhưng chỉ có các ngón cái, ngón giữa chạm đầu nhau. | |
12) Phúc thủ hiệp chưởng: Giống như trên, nhưng chỉ có hai ngón cái đặt sát hông nhau. Mười đầu ngón tay đều hướng ra ngoài. |
So ra, trong các đạo tràng, thường dùng nhất là cách kiên thật tâm hiệp chưởng và quy mạng hiệp chưởng (kim cang hiệp chưởng). Vì thế, ở dưới đây sẽ nói rõ hai cách chắp tay ấy.
1) Kiên thật tâm hiệp chưởng:
- Thả lỏng hai vai, nhưng vẫn giữ vai ngay ngắn, tuy đoan chánh nhưng vẫn thư giãn, đừng gồng cứng.
- Hai bàn tay áp chặt vào nhau, như thể dựa vào nhau nghỉ ngơi.
- Chắp hai tay ngang ngực, giữ phía dưới nách thông thoáng thì khí huyết mới chảy thông suốt. Gốc hai ngón cái nằm ngang huyệt Ðản Trung, đừng áp hai bàn tay lên ngực.
- Mắt nhìn vào khoảng giữa hai bàn tay, kiểm xem mình có thư giãn, đoan chánh hay không. Người thường ngày hay tán loạn thì lúc chắp tay cũng rất khó làm cho đúng. Lúc tâm loạn, năm ngón tay sẽ tách nhau ra mà ngón út cũng khó áp sát vào các ngón khác. Cứ hễ chẳng nhất tâm chuyên chú thì ngón út liền tách ra.
2) Kim Cang hiệp chưởng (quy mạng hiệp chưởng)
Cách chắp tay này trong kinh thường diễn tả bằng từ ngữ “xoa thủ hiệp chưởng”.
Phương pháp: Lấy bàn tay phải làm chính, các đầu ngón tay đan nhau ở ngay đốt thứ nhất.
Ý nghĩa: Bàn tay phải là Phật Giới, bàn tay trái là Chúng Sanh Giới, biểu thị: chúng sanh quy mạng nơi chư Phật. Chắp tay lại tiêu biểu “năng, sở bất nhị”, “chúng sanh và Phật như một”. Hành giả Mật giáo dùng các ấn này để biểu thị lòng cung kính đối với Bổn Tôn, tín tâm kiên cố.
II. Vì sao không được chắp tay đè lên ngực?
Vì làm vậy không những thể hiện hình tướng lười nhác, tán loạn, mà còn có hại về mặt sinh lý.
Hành giả làm như vậy có thể vì không biết nơi ngực có một tuyến, là cơ quan trọng yếu của hệ thống sản xuất ra chất dịch “lâm ba”. Trong hệ thống miễn dịch nơi thân chúng ta, trọng yếu nhất là các “lâm ba cầu T” (T cells). Chúng có trách nhiệm trừ khử những ngoại vật xâm nhập cơ thể, cũng như tiêu hóa những tế bào phân chia bất thường (chẳng hạn như các tế bào ung thư). Tuyến ngực nói trên tiết ra “hung tuyến tố” giúp cho các tế bào T phân chia, phát triển tốt đẹp. Nếu áp lực tinh thần quá lớn, mạch nơi ngực liền bị co rút, kém tác dụng. Nếu đè tay lên ngực cũng khiến cho ngực phải chịu sức ép, khí huyết chẳng thông.
III. Vì sao chẳng nên nghiến chặt răng?
3.1. Về phương diện tu tâm trong Phật pháp:
a. Trong tác phẩm Quán Vô Lượng Thọ Kinh Sớ của Thiện Ðạo Ðại Sư, trước khi dạy về cách quán tưởng, có một đoạn rất trọng yếu giảng về “tiền phương tiện” (cách chuẩn bị trước khi quán tưởng). Ðây chính là trình tự chẳng thể thiếu trong việc tu quán, người học đừng ham cao chuộng xa mà lướt qua.
Sách chép: “Giữ thân ngay thẳng, ngậm miệng, nhưng răng đừng đè sát nhau, lưỡi chống lên vòng họng để luồng khí giữa yết hầu và mũi thông suốt”.
Ðoạn văn trên viết ngay trước câu “lại quán tứ đại trên thân, trong ngoài đều không, trọn không có một vật”. Ðủ thấy trước khi quán Không hay thực hành mười sáu phép quán, vẫn phải “giữ thân ngay thẳng, ngậm miệng, răng đừng nghiến sát, lưỡi chống lên vòm họng” (là vì nếu luồng khí giữa yết hầu và mũi không thông suốt thì não sẽ bị thiếu dưỡng khí, những công năng thông thường còn gặp chướng ngại, huống hồ là công năng quán tưởng cao thâm?)
Nho gia cũng nói: “Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh” (người quân tử chú trọng cái gốc, gốc đã lập thì đạo sẽ sanh). Nếu kẻ sơ học chẳng thiết thực, chắc thật tận lực thực hành những điều cơ sở căn bản, gốc cội chưa vững chắc thì rất khó lòng khai hoa kết quả được.
b. Tâm có vọng tưởng, chấp trước, khẩn trương, vướng mắc thì sẽ có những biểu hiện tự nhiên nơi thân nhưng mình chẳng biết: răng nghiến chặt, lưỡi cứng dính chặt vào họng, hơi thở nơi mũi lẫn yết hầu cũng chẳng thông suốt, cổ cũng căng cứng. Như vậy, chẳng nghiến răng chính là để cảnh tỉnh mình buông bỏ vọng tưởng, chấp trước. Lúc tâm tình khích động thì chuyện nghiến răng, nghiến lợi rất dễ thấy; nhưng lúc bình thường, lòng có điều lo nghĩ, chẳng dễ nhận thấy mình đang nghiến răng, nghiến lợi mà cũng thường chẳng hay! Chỉ cần trong tâm có điều vướng vất, gân mặt sẽ lập tức căng cứng nên tự nhiên mình nghiến chặt răng. Không nghiến chặt răng chính là buông lỏng những sợi gân nhỏ trên mặt, mà cũng là buông bỏ những điều bận lòng trong tâm.
3.2. Lợi ích về phương diện sinh lý
a) Khiến cho ống dẫn nước bọt được thông suốt, nước bọt tiết ra đầy đủ
Nước bọt là một chất dịch tiết rất quan trọng trong cơ thể, chẳng những nó giúp ích cho việc hấp thụ thức ăn, tiêu hóa, phân giải thức ăn, mà còn có những chất đề kháng, tăng cường sức kháng bệnh của cơ thể.
Chúng ta có ba loại tuyến nước bọt lớn:
- Tuyến dưới tai: Ở phía trước tai, tuyến này đổ ra khoảng giữa cằm và gò má (ngay nơi răng hàm thứ hai)
- Tuyến dưới cằm: Nằm ở xương hàm dưới, đổ ra khoảng dưới lưỡi (chỗ lưỡi nối vào sàn miệng).
- Tuyến dưới lưỡi (nằm ở phía đầu lưỡi, nằm dưới niêm mạc của xoang miệng). Có một ống dẫn khá lớn (tuyến nước miếng dưới cằm thường đổ ra theo đường này) và khoảng mười ống dẫn nhỏ, mỗi ống đều có lỗ thoát nằm ngay dưới lưỡi và trong khoang miệng.
Ngoại trừ ba loại tuyến nước bọt lớn trên, chúng ta còn nhiều tuyến nước bọt nhỏ, phân bố trong vòm miệng phía trong má, môi trên, môi dưới, vòm họng cũng như trên đầu lưỡi.
Khi chúng ta nghiến răng, các ống dẫn và lỗ thoát của chúng đều bị đóng lại, nên miệng bị thiếu nước bọt, chẳng những miệng khô, lưỡi ráo, mà còn bị thiếu cả các diếu tố (enzyme) tiêu hóa, thành ra bị khó tiêu. Ðồng thời còn bị thiếu cả kháng thể, sức miễn dịch giảm thấp. Vì lẽ đó, cần phải nên thư giãn, đừng nghiến chặt răng, chỉ ngậm chặt hai môi mà thôi.
Mọi người thường hay tìm mua những thức uống bên ngoài, chẳng biết thức uống tốt nhất, chính là nước miếng của chính mình. Nước miếng chính là nguồn cung ứng bất tuyệt suốt 24 giờ, trọn bảy ngày. Nhưng đa số chúng ta lại cắn răng, nghiến lợi khiến cho lỗ thoát của các tuyến bị bít chặt, lại còn than thở là miệng bị khô, thật là oan uổng quá (người hay than khô miệng, ráo lưỡi chắc chắn là người tâm thường lo âu, đăm chiêu, cứ cắn răng, nghiến lợi nhưng không hay, hoặc là kẻ tinh thần bị căng thẳng làm ảnh hưởng đến thần kinh, khiến nước bọt bớt tiết ra).
Xin hãy thí nghiệm: Trong lúc thư thái, đừng nghiến chặt răng, thả lỏng cơ cổ, đầu lưỡi áp nhẹ lên vòm họng trên, giữ cho có một khoảng trống giữa phía trên mặt lưỡi, gốc lưỡi và vòm họng trên như thể đang ngậm hột mận, hoặc ngậm một búng không khí thì tự nhiên nước miếng tuôn ra ào ào (vì lỗ thoát của các tuyến nước miếng được thông thoáng). Làm vậy thì niệm Phật, lễ Phật chẳng bị khô miệng, lúc tâm tịnh thì nước miếng cực ngon ngọt, hơn hẳn các thứ thức uống trong thế gian.
b) Không nghiến răng thì tâm dễ an định, ninh tịnh, khả năng tư duy được nâng cao
Khi quan sát vỏ não, người ta thấy chỉ cần nghiến răng thì liền xuất hiện dòng điện gây nhiễu “não điện kế” (máy đo dòng điện ở vỏ não). Ðủ thấy khi gân cơ căng thẳng do nghiến răng sẽ tạo thành sóng điện, khuấy rối sự an định trong tâm. Phải thả lỏng thì tâm mới có thể an định.
Qua nghiên cứu, ta thấy rõ khi nghiến răng thì khả năng tư duy, phân tích, quán tưởng ở mức độ cao của não cũng bị trở ngại. Vì thế, nghiến răng thật bất lợi đối với việc tư duy Phật pháp.
c) Nâng cao thính lực
Khi nghiến chặt răng, các gân cơ bị căng thẳng (thân nghiệp) khiến cho những huyết quản lớn nhỏ quanh tai cũng bị chèn ép. Bởi thế, công năng của tai cũng như thính lực tất nhiên đều bị giảm thấp (đó chính là nghiệp biến thành chướng). Rất nhiều người than nghe giảng Phật pháp hoặc nghe thầy giảng bài, nghe nhưng không hiểu, hoặc nghe xong quên ngay phần lớn là do hay nghiến chặt răng. Chỉ cần biết thư giãn thì chẳng đến nỗi do thân nghiệp tạo thành chướng ngại vậy.
IV. Vì sao phải nên đứng theo kiểu “tiền bát hậu nhị” (đầu bàn chân cách nhau 8 phân, hai gót chân cách nhau 2 phân)?
4.1. Luận về phương diện sinh lý và vật lý:
4.1.1. Nhà Phật chẳng hề yêu cầu người học làm những chuyện vô lý.
Lúc đứng, 2 gót chân cách nhau 2 phân là điều hợp lý. Quan sát cấu trúc xương nơi thân người, ta thấy: thân ta có khung xương sống. Phần cuối, xương sống cong ra phía sau. Vì thế, trọng lượng của thân dồn nặng xuống chính giữa phía sau của phần chính giữa thân (nơi xương cùng). Khi đứng, cần phải chia đều trọng lượng ấy cho hai gót chịu đựng.
Gót chân cách nhau 2 phân là vì:
- Khoảng cách này xấp xỉ độ rộng của xương sống, rất phù hợp để hai chân chịu đều sức nặng của thân thể dồn xuống.
- Khoảng cách này rất thích hợp để giữ cho hai xương ống chân đứng thẳng thì gân thịt mới thư giãn được.
- Khoảng cách này phù hợp với góc độ của khớp xương hông, khớp gối, khớp xương đùi, khiến chúng chẳng bị chịu lực quá đáng đến nỗi bị hư mòn, thoái hóa.
Hãy tự thí nghiệm để chính mình quan sát lấy:
- Nếu gót chân cách nhau khá xa thì hai xương chân bị xéo đi, gân thịt nơi chân bị căng không đều, góc độ chịu lực nơi các khớp không thích nghi, không đều, rất dễ bị đau mỏi.
- Nếu chụm sát hai gót chân lại thì xương chân cũng chẳng được thẳng, gân cốt cũng bị căng thẳng.
4.1.2. Hai ngón chân cái cách nhau 8 phân (nói 8 phân là ước chừng ngang với bề rộng của vai)
Chỗ rộng nhất trên thân là vai. Giữ hai chân cách nhau vừa đúng chiều rộng của vai thì chân đã chịu lực tốt mà diện tích mặt chân đế cũng lớn, khiến cho trọng tâm rất ổn.
Nếu chân không cách nhau đủ 8 phân thì mặt chân đế quá hẹp so với mông, trọng tâm bất ổn. Nếu lớn hơn 8 phân thì cơ đùi bị kéo quá căng, nên cũng không đáp ứng được yêu cầu về mặt vật lý.
4.2. Xét trên phương diện điều tâm trong nhà Phật
“Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi đạo sanh”.
V. Vì sao lúc đứng thẳng lại cần phải dùng gót chân chịu lực?
Như đã nói, cách đứng như vậy chẳng những vừa chỉnh tề, vừa đẹp mắt, khiến người khác thấy trang nghiêm, mà còn là phù hợp với những nguyên tắc giải phẫu sinh lý nữa.
5.1. Xét về mặt Phật pháp
Nhà Phật giảng: “Tánh không duyên khởi”, các pháp từ duyên sanh. Thể là chân không, nhưng Tướng là diệu hữu. Ðã có thân thể giả tướng, thì trong giả tướng ấy đương nhiên có đạo lý nhân quả; nhưng sự biến hóa của giả tướng vẫn tuân theo nguyên tắc nhân quả. Bởi vậy, những động tác sinh hoạt thường ngày cũng phải tuân thủ theo điều kiện nhân quả.
Hãy thử suy nghĩ kỹ, trong 32 tướng hảo của Phật, có tướng “gót chân rộng bằng” (gót chân viên mãn, chẳng lộ xương) và “lòng bàn chân bằng phẳng”. Những tướng hảo ấy đã tiết lộ ý nghĩa sâu thẳm “gót chân chịu lực”.
Tổ sư nhà Thiền, khi khảo nghiệm đệ tử đã dụng công đắc lực hay chưa, đắc pháp hay chưa, thường hỏi: “Gót chân chấm đất rồi chưa?” Ðiểm này phải nghĩ hiểu cho kỹ vậy. Có người cho rằng cần phải dùng cả bàn chân lẫn các ngón chân chịu lực thì mới đứng vững được. Kỳ thật, thời cổ phụ nữ bị ép bó chân, chỉ còn chừa mỗi gót chân chạm đất mà họ vẫn có thể đi vững, đứng vững được.
5.2. Xét về mặt giải phẫu sinh lý
Từ xương bắp chân trở lên cả phân trên đều liên tục ở ngay trên gót chân (xương bàn chân chỉ nhằm tăng gia diện tích mặt chân đế). Tự nhiên là trọng tâm của thân thể rơi vào chính giữa hai gót chân. Vì thế, ta dùng gót chân để chịu lực, cũng như khi trọng tâm của vật đã ổn thì vật sẽ tự nhiên ổn định, chẳng cần tốn sức. Lúc trọng lượng đặt tại gót chân, mỗi ngón chân đều được thư giãn, gân thịt nơi chân cũng không cần phải hao tổn năng lượng để giữ vững tư thế cân bằng; cơ lưng cũng không phải phải gồng cứng. Như thế, sẽ bất tất phải lãng phí khí lực, bất tất phải gánh chịu nỗi nhọc nhằn, đau đớn không cần thiết.
Mỗi người có thể tự kiểm nghiệm, so sánh. Khi đứng, tự dùng tay sờ nắn xương hông thì sẽ thấy rằng: Nếu dùng mũi bàn chân làm điểm tựa thì xương nơi thắt lưng sẽ thúc vào bụng, các cơ quanh hông sẽ gồ lên. Như vậy sẽ dễ bị đau lưng, mà cũng khó thể hô hấp sâu.
Nếu dùng gót chân để chịu lực thì xương nơi thắt lưng khá thẳng, không còn thúc vào bụng. Hông, lưng, bàn chân, ngón chân, cơ chân đều thả lỏng, dễ hít thở sâu.